Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]

Ôi Thân Yêu Bóng Chùa Từ Ðàm

Hoàng Nguyên Nhuận

Hậu bán thế kỷ 20, Việt Nam là một tụ điểm của lương tâm nhân loại, và Phật giáo là tụ điểm của lương tâm Việt Nam. Trong tụ điểm đó, ba ngôi chùa nổi bật lên như những vì sao lập lòe trong đêm tối của đau thương khổ nạn dân tộc đó là chùa Từ Ðàm ở Huế, chùa Xá Lợi và chùa Ấn Quang ở Sài Gòn.
***
Chùa Xá Lợi năm 1963 là kết điểm tiên khởi của cuộc trường chinh Chấn Hưng Phật Giáo khởi từ năm 1923 khi chùa Hội đầu tiên thành lập ở Nam Kỳ. Chùa Xá Lợi năm 1963 nơi diễn ra trận chiến cuối cùng trong đó kẻ yếu đã thắng, kẻ mạnh đã thua. Tôi chết hãy cầu nguyện cho kẻ giết tôi. Ðó là lệnh của Hòa Thượng Hội Chủ Tịnh Khiết cho Tăng Ni và Phật tử đang tử thủ trong chùa Xá Lợi và tất cả các chùa trên toàn quốc đợi chờ lưỡi hái tử thần có tên là chiến dịch Nước Lũ của chính quyền giáng xuống. Thân cháy nát tan ra tro trắng. Thần thức nương về giúp sinh linh. Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng, Hãy gấp tỉnh đi kẻo bỏ mình, đó là lời trăn trối của Thượng Tọa Quảng Ðức trước khi châm lửa tự thiêu. Trong trận chiến chênh lệchquyết tử tại Xá Lợi, Phật giáo sống còn vì Phật giáo chỉ muốn làm Thầy chứ không ham làm vua, vì Phật giáo đã tự đặt mình vào thế không còn gì để mà mất nữa. Chùa Xá Lợi là nơi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được khai sinh ngày 14.5.1964. Nhưng như một mầm non giữa cơn nắng hạn của lửa đạn hận thù, kỳ thị và lệ thuộc, GHPGVNTN đã bị khai tử ba năm sau đó. Tờ giấy khai tử đó là Sắc Luật 023/67 do Nguyễn văn Thiệu ký ngày 18.7.1967 trước cuộc bầu cử Tổng Thống tiền định 3.9.1967.
***
Chùa Ấn Quang năm1967. Sắc Luật 023/67 đập tan khối thống nhất của Phật giáo, đẩy Phật giáo vào cảnh lục đục nội bộ không còn khả năng và tâm sức đối lập, để mặc sức cho chính quyền Mỹ-Việt thao túng vận mệnh Miền Nam. Phe Phật giáo thân chính tụ tập ở Việt Nam Quốc Tự. Hầu hết nhân sự lãnh đạo GHPGVNTN đều rút về Ấn Quang. Dưới mắt chính quyền, Ấn Quang là một tụ điểm bất ổn đối kháng, một "ổ Việt Cộng". Lợi dụng vụ Mậu Thân, chính quyền đã mấy lần ồ ạt tấn công vào Ấn Quang nói là để lùng kiếm Việt Cộng nằm vùng, truyền đơn, tài liệu, vũ khí, nhưng cuối cùng chỉ gặp những Tăng Ni và Phật tử chết và bị thương. Cho đến ngày chiến tranh kết thúc, Ấn Quang không chỉ là một ngôi chùa, Ấn Quang là biểu tượng kiên trì và khốn khổ của ước vọng hòa bình dân tộc, độc lập quốc gia, của quyết tâm đề kháng lại những chính sách sai lầm của chính quyền Mỹ-Việt, và những sai trái của tất cả các phe lâm chiến đối với dân chúng.
***
Chùa Từ Ðàm là nơi đơm hoa kết quả của phong trào Phật giáo chuyển mình từ giấc ngủ lịch sử nội chiến Gia Long - Tây Sơn.
Chiến thắng của Gia Long trong cuộc tranh quyền với Nguyễn Huệ đã kích thích tham vọng của giới Nho sĩ muốn biến Nho giáo thành ý thức hệ trị nước và khống chế sinh hoạt tâm linh và văn hóa của quốc gia. Ảo tưởng độc quyền đó tan biến trước họng súng của người Pháp và cây thập tự giá của các giáo sĩ thừa sai. Gia Long vịn vai Pháp mà lên ngôi và cuối cùng chủ quyền quốc gia lọt vào tay Pháp. Người Việt yêu nước không ngồi yên, tùy duyên mà mỗi người mỗi nhóm đi theo những con đường khác nhau. Văn Thân và Cần Vương tự lực vũ trang kháng chiến tàn lụi, nhường bước cho chủ trương dĩ ngoại trị ngoại của Phan Chu Trinh với lòng tin vào lý tưởng cách mạng Pháp, của Phan bội Châu với chính sách canh tân của Nhật, của người Mác-xít hướng về Moscova, của Nguyễn thái Học với Tam Dân chủ nghĩa của Trung Hoa mà cao điểm là khởi nghĩa Yên Báy.
***
Ða số những thành phần sĩ phu trí thức yêu nước còn lại - cọng thêm vào "những anh hùng mạt vận" từ những phong trào kể trên, không còn đường nào khác hơn là nương vào cửa Phật. Chùa chiền trở thành những ổ đề kháng thụ động cho những Phật tử dấn thân. Họ vừa quay lại với kinh nghiệm tự giác nhi giác tha của Lê Trần, vừa nhìn về những cố gắng đưa đạo vào đời về cả hai phương diện tu học và phổ độ của phong trào Phật giáo quốc tế ở Ấn Ðộ, Tích Lan, Miến Ðiện và Nhật, vừa nhìn về Thái Hư Ðại Sư ở Trung Hoa qua phong trào đổi mới Phật giáo trong ba phương diện giáo chế, giáo luật và giáo sản. Chùa Từ Ðàm là cái trục chính của phong trào Phật giáo dấn thân này với cái tên vừa gần gũi vừa xa lạ là Chùa Hội.
***
Chùa Hội là tên chung chỉ những cơ sở hoạt động, những điểm kết hợp của Phật tử đủ mọi tầng lớp có chung tâm nguyện phục vụ dân tộc trong ánh sáng của đạo pháp và phục vụ đạo pháp trong những điều kiện khế hợp của dân tộc. Chùa Hội là một hình thức quy tập nhân lực, thống nhất tổ chức để tiến hành tâm nguyện tự giác nhi giác tha của những hàng Phật tử hữu tâm và hiếu hoạt. Chùa Hội là trụ sở của những Hội Phật Học, tức những tổ chức tiền thân tiên khởi của GHPGVNTN định hình năm 1964. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 3 đã lược thuật đoạn đường hình thành của những tổ chức Phật giáo tiên khởi này như sau ...
Năm 1923 tại Bến Tre, Nam Kỳ, Sư Khánh Hòa là người đầu tiên đưa ra sáng kiến quy tập Phật giáo thành những hội. Từ sáng kiến này, Hội Lục Hòa Liên Hiệp đã được thành lập nhờ nổ lực chung của hai giới Tăng già và cư sĩ. Hội Lục Hòa Liên Hiệp chỉ là viên đá lót đường, phải đợi 7 năm sau, năm 1930 mới hình thành được một tổ chức Phật giáo quy mô hơn cho toàn Nam Kỳ đó là Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học với cơ quan ngôn luận là tạp chí Từ Bi Âm. Năm 1932 tại Huế, An Nam Phật Học Hội được Sư Giác Tiên khai sáng với cơ quan ngôn luận là tờ Viên Âm. Năm 1934 tại Hà Nội, Hội Phật Giáo Bắc Kỳ được Sư Trí Hải khai sáng với cơ quan ngôn luận là tờ Ðuốc Tuệ.
1923-1934, đoạn đường mười hai năm gập ghềnh trắc trở, từ ngoài vào, từ trong ra ... nhưng cuối cùng, với tâm nguyện và gương sáng đạo hạnh của hàng xuất gia, với ý thức phục vụ và hy sinh đóng góp của hàng tại gia, Phật giáo toàn quốc đã có được những điểm tựa, những đòn bẫy để kết tập tâm sức tiến lên, đó là các hội Phật học, các chùa hội, các sách báo của hội.
***
Cơ quan ngôn luận của An Nam Phật Học Hội là tờ Viên Âm số ngày 1.1.1934, đã đúc kết những lý do và mục tiêu thống nhất và đổi mới Phật giáo như sau:
* Phật giáo sẵn có truyền thống yêu nước, cởi mở, dung hợp nên có khả năng lấp đầy khoảng trống tâm linh và thế trị do sự sụp đổ của ý thức hệ Nho giáo tạo ra.
* Truyền thống yêu nước, cởi mở và dung hợp của Phật giáo sẽ củng cố và phát triển dân tộc tính Việt Nam trên tiến trình hiện đại hóa, bảo về tổ quốc và tranh đua với thế giới.
* Phật giáo rất khế hợp với nhu cầu duy lý của khoa học và ý chí tự lực tự cường của dân tộc.
* Cần phải đổi mới những lễ nghi phụng tự đương hành của Phật giáo, cần phải triển khai khía cạnh sinh động, tự do của Phật giáo để đáp ứng được nhu cầu tâm linh và trí thức của những người biết tôn trọng tự do tâm linh, tôn trọng lý trí, tôn trọng khoa học và mưu cầu tiến bộ.
Có thể nói đó là một cương lĩnh hành động của các chùa hội.
***
Dù sinh sau chùa hội Nam Kỳ, nhưng chùa hội và An Nam Phật Học Hội ở Huế lại tiến những bước khá dài trên đường canh tân.
Thành tựu đáng kể nhất trong tiến trình hiện đại hóa Phật giáo giai đoạn này là Phật giáo Việt Nam đã tạo cho mình một chỗ đứng tươm tất công khai chính thức trong sinh hoạt quốc gia mà thực dân Pháp cũng như triều đình Việt Nam có muốn cũng không thể phủ nhận. Bằng chứng là lễ Phật Ðản năm 1935 do An Nam Phật Học Hội tổ chức tại Huế.
Phật Ðản 1935 tại Huế là một biến cố toàn quốc vì mấy sự kiện sau đây. Thứ nhất, quy tụ tất cả những nhà lãnh đạo sơn môn từ các chùa lớn như Linh Mụ, Từ Hiếu, Bảo Quốc, Trúc Lâm, Túy Ba, Tây Thiên, Linh Quang, Tường Vân, Từ Quang, Quốc Ân, Vạn Phước. Thứ hai, cuộc lễ khai mạc từ chiều hôm trước bằng cuộc rước Phật từ chùa Báo Quốc về chùa Diệu Ðế là Quốc Tự thời đó. Thành phố Huế tưng bừng như ngày hội lớn. Thứ ba, Bảo Ðại với tư cách hoàng đế đã chính thức nhận chức Hội Chủ Danh Dự của An Nam Phật Học Hội. Thứ tư, Bảo Ðại đã cùng hoàng gia, Cơ Mật Viện hay nội các và Khâm Sứ Pháp tham dự lễ Phật Ðản tại chùa Diệu Ðế. Bảo Ðại, Hoàng Thái Hậu cũng đã đóng tiền cho Hội, thưởng tiền cho ban ca múa trong đại lễ và tặng 1000 đèn lồng soi sáng khuôn viên chùa Diệu Ðế trong đêm liên hoan sau khi rước Phật từ chùa Báo Quốc về.
***
Qua ngày Phật Ðản 1935 đó, Phật giáo đã chính thức đến và ở lại trong lòng dân tộc và trên chính trường Việt Nam, không phải như một thực tế nữa mà là một thực thể có pháp nhân. Ðó là điều mà 15 năm sau, vua Bảo Ðại đã quên khi đặt bút ký Ðạo Dụ số 10 ngày 6.8.1950, mặc nhiên thừa nhận Công giáo như tôn giáo duy nhất và Phật giáo cùng các tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Ðài ... chỉ có quy chế như những hội tương tế, hội đua ngựa, đua thuyền. Quốc Trưởng Bảo Ðại không áp dụng tinh thần của văn kiện đó, nhưng chính quyền Ngô đình Diệm lại đã dùng văn kiệ đó như vòng kim cô tròng vào đầu các tôn giáo khác, khi cần chỉ một niệm là té nhào đầu lạc địa.
Sự hiện diện của Bảo Ðại trong chức vụ Hội Chủ Danh Dự của An Nam Phật Học Hội, cũng như sự hiện diện của Tổng Ðốc Hoàng trọng Phu và Tổng Ðốc Nguyễn năng Quốc trong Hội Phật Giáo Bắc Kỳ, của Trần nguyên Chấn - một viên chức cao cấp của Pháp, trong hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học là lý do khiến cho một số người thời đó nghi ngờ các hội Phật giáo chỉ là một lá bài thực dân Pháp dàn dựng ra để ru ngủ và đánh lạc hướng đối kháng của người Việt. Nhưng nói như vậy thì cũng chẳng khác chi bảo rằng ngày xưa Phật giáo thời nhà Ðinh đã phản nhà Ngô, Phật giáo thời nhà Tiền Lê đã phản nhà Ðinh, Phật giáo thời nhà Trần đã phản nhà Lý và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay đã phản Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Hoài nghi là quyền của thiên hạ, nhưng nếu Phật tử vì những hoài nghi đó mà chùn bước thì Phật giáo Việt Nam đã không còn là thế dựa tâm linh và đạo đức của dân tộc nữa rồi. Sanh dựa thần, thần dựa cây đa là lẽ thường của trùng trùng duyên khởi. Cứu cánh biện minh cho phương tiện có thể là một dụng tâm gian dối để tranh thắng lợi và cầu thành công. Phật giáo không cầu mà cũng không tranh, không dùng ai làm phương tiện cả nên cũng không cần phải dụng tâm gian dối. Cách mạng Mùa Thu bùng lên, bao nhiêu Tăng Ni đã cởi nâu sồng để khoát chiến y, và khi Pháp trở lại khởi đầu chiến tranh Việt - Pháp bao nhiêu chùa đã là nơi nương náu của những những người lãnh đạo kháng chiến từ Bắc chí Nam? Hỏi là trả lời.
***
Phật Ðản 1935 cũng mặc nhiên đặt Phật giáo Huế vào thế phải nhận trọng trách đầu đàn trong công cuộc đổi mới để phát triển điều kiện tu học và khả năng phục vụ. Thời kỳ 1935-1945, Phật giáo Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ cũng chính là thời kỳ thế giới đang quặn mình đổi thay dưới áp lực ngày một đè nặng của Ðức Quốc Xã và Trục Phát-Xít Ðức Ý Nhật.
Trong quá trình đổi mới này, Phật giáo đã xử dụng hữu hiệu công cụ truyền giáo và đồng thời cũng là công cụ tẩy não và hoán não của Công giáo và chính quyền thực dân để phát triển phong trào Phật học. Công cụ đó là chữ quốc ngữ. Ngày xưa, chỉ có những người có học chữ Hán mới mong đọc được kinh sách. Mà có đọc được cũng chưa chắc đã hiểu hết y nghĩa. Phần kinh sách chữ Nôm không có bao nhiêu, và cũng thưa thớt như những người đọc được chữ Nôm vậy. Chữ quốc ngữ dễ học, và học đọc học viết quốc ngữ đang trở thành thời thượng. Nhờ thế mà quốc ngữ trở thành một con thuyền tải đạo Phật đến gần với người Việt Nam. Những kinh sách nội điển, những sách Phật học phổ thông, những tạp chí Phật giáo phát triển mạnh trong nhân gian. Với đại chúng Phật tử, tu Phật không còn chỉ là việc gia truyền mà đã trở thành một hành động ý thức, tinh tấn, làm và biết tại sao mình làm như thế. Phong trào tu học bằng chữ quốc ngữ này cũng đã thu hút bao nhiêu sĩ phu trí thức đến với Phật giáo. Mai Thọ Truyền, Phan văn Hùm, Lê đình Thám, Tôn thất Tùng, Nguyễn tiến Lãng, Nguyễn văn Tố, Thiều Chửu, Trần trọng Kim, Trần văn Giáp, Bùi Kỷ, Lê Dư, Nguyễn văn Vĩnh, Nguyễn trọng Thuật, Tản Ðà Nguyễn khắc Hiếu ... đó là chỉ mới nhắc lại một số tên tuổi quen thuộc, chưa kể những số tên tuổi khác không trực tiếp tham gia Phật sự nhưng tán đồng vị thế đạo đức, lịch sử cũng như chủ trương đổi mới của Phật giáo như Phan bội Châu, Huỳnh thúc Kháng, Phan Khôi, Phạm Quỳnh ...
Công tác thứ hai của các chùa Hội ráo riết theo đuổi đó là nâng cao trình độ của Tăng Ni về cả hai phương diện thế học và Phật học. Con đường đã chọn là gấp rút đào tạo một lớp tang ni trẻ có đủ khả năng thừa hành trọng trách chấn hưng Phật giáo mà hàng lãnh đạo đã đề ra. Về điểm này, Nguyễn Lang trong sách đã dẫn, nhận định như sau: "So với số lượng tăng sĩ thất học lớn lao trong xứ, số tăng sĩ được đào tạo tại ba miền không thấm thía vào đâu. Số lượng tăng ni được trực tiếp đào tạo không vượt quá số năm trăm vị, trong số đó chỉ có khoảng một phần mười được gọi là xuất sắc. Tuy vậy trong khoảng 1945-1975, thiểu số này đã tạo nên được sóng gió trong sinh hoạt văn hóa và chính trị quốc gia.
Người xuất sắc nhất trong một phần mười xuất sắc này chính là Thầy Thiện Siêu, Thầy Từ Ðàm, Thích Trí Ðức vậy.

Thầy ra đời năm 1921, hai năm trước khi Phật giáo thành lập được hội Phật học đầu tiên ở Bến Tre. Thầy xuất gia năm 1935, năm An Nam Phật Học Hội biểu dương lực lượng bằng cuộc lễ Phật Ðản vĩ đại tại thành phố Huế như đã kể trên. Thầy là một trong 50 tăng sinh được chọn vào trường An Nam Phật Học để được huấn luyện toàn thì bằng một chương trình từ Tiểu Học đến Ðại Học. Ðây là khóa huấn luyện quy mô, toàn thì, rốt ráo đầu tiên của Phật giáo toàn quốc thời ấy.

Sau 9 năm học tập, 10 tăng sinh trúng tuyển, 6 chính thức và 4 đậu vớt. Pháp hiệu của sáu người đó đều bắt đầu bằng chữ Trí. Thầy là Trí Ðức, những đạo huynh của Thầy là Trí Thuyên, Trí Nghiễm hay Thiện Minh, Trí Quang, Trí Tịnh, Trí Duyên. Thầy Trí Thuyên được coi như anh cả đã bị Pháp bắn chết ngay trong đại tòng lâm Kim Sơn. Thầy Thiện Minh giải nghiệp trong lao tù. Thầy rũ mộng ra đi, giờ chỉ còn hai Trí tại thế là Thầy Trí Quang và Thầy Trí Tịnh.

Theo mấy Ôn kể thì Thầy Thiện Minh giỏi lịch sử, Thầy Trí Quang giỏi luận và Thầy Thiện Siêu giỏi nội điển. Ðiều này giải thích tại sao Thầy có một số lượng tác phẩm lớn lao như thế, tại sao Thầy được suy cử vào chức vụ Phó Chủ Tịch đặc trách Hán tạng trong Hội Ðồng Phiên Dịch Ðại Tạng Kinh Việt Nam, và tại sao chỗ nào chưa có trường thì Thầy được chỉ định đi khai phá, chỗ nào có trường lớp rồi thì Thầy có chạy trời cũng không khỏi nắng trong chức vụ giảng sư. Công trình cuối cùng của Thầy Học Viện Phật Giáo Việt Nam khai giảng năm 1997 mà Thầy là Viện Trưởng. Thầy nhắm mắt mấy tháng sau khi Học Viện bế giảng khoá Cử Nhân Phật Học đầu tiên.

***
Từ Ðàm ngày một trở nên trọng điểm của chùa hội ở Huế và Trung Phần, nơi đặt trụ sở của An Nam Phật Học hội. Năm 1947, Thầy được Phật giáo Huế cử làm trú trì Từ Ðàm lúc Thầy mới 26 tuổi. Ba năm sau, Thầy được công cử vào chức vụ Chánh Hội Trưởủng Tỉnh Hội Thừa Thiên nhiệm kỳ 1950-1955. Trong chức vụ Chánh Hội Trưởng và Giám Viện Từ Ðàm, Thầy đã làm được ba việc có ảnh hưởng lâu dài đến tiên đồ của Phật giáo. Thứù nhất, đoàn ngũ hóa Phật tử thành những Khuôn Tịnh Ðộ. Thứ hai, tiếp sức chuyển thái Ðoàn Thanh Niên Phật Học Ðức Dục thành Gia Ðình Phật Hóa Phổ và rồi thành Gia Ðình Phật Tử. Cuộc vận động năm 1963 chứng tỏ các hạ tầng cơ sở này vững chắc và hữu hiệu đến thế nào. Thứ ba, góp phần hình thành đại hội Phật giáo toàn quốc năm khai mạc ngày 6.5.1951 tại Từ Ðàm.
Ðại hội này đã nhất trí đề ra hai mục tiêu chiến lược đó là thứ nhất, chính thức biến Phật Học thành Phật Giáo và, đặt nền móng cho một định chế giáo hội thống nhất. Từ năm 1923 đến nay chỉ có những Hội Phật Học rời rạc tự lập cho từng tỉnh, từng miền. Những hội đó bây giờ tự giải thể để quy tập thành một Tổng Hội Phật Giáo duy nhất. Bằng quyết định này, đạo Phật đã tiến thêm một bước nữa trong ý chí xác lập bản vị pháp nhân của mình trong xã hội Việt Nam. Thứ hai, xác lập mục tiêu thế trị của Phật giáo là đấu tranh bất bạo động để thực hiện một Việt Nam độc lập, hòa bình, trung lập. Bản tuyên ngôn kết thúc đại hội và bản nhạc Phật giáo Việt Nam của Lê cao Phan thể hiện cụ thể hai điểm này qua những câu: Chung sức chung lòng để làm tròn sứ mệnh kiến tạo hòa bình, gây mầm an lạc, và nêu cao ngọn đuốc trí tuệ của
Ðức Thế Tôn (tuyên ngôn) và PGVN thống nhất Bắc Trung Nam từ đây, một lòng chúng ta đứng lên vì đạo thiêng (lời nhạc).
Quyết tâm xác lập bản vị pháp nhân của mình trong xã hội Việt Nam đó đã thể hiện một lần nữa năm sau 1952 bằng cuộc đón xá lợi tại Sài Gòn ngày 13.9 1952. Ðây là cuộc biểu dương lớn nhất ủa Phật giáo từ trước đến nay với khoảng 100 ngàn người tham dự. Lần đầu tiên Phật tử Sài Gòn có cơ duyên nhìn thấy xá lợi Phật, và đây cũng là lần đầu tiên cờ Phật giáo quốc tế ngũ sắc ra mắt quần chúng Việt Nam.
***
Nhìn theo quan điểm của tuyên ngôn dẫn thượng thì hòa bình Genève 1954 hẳn chưa phải là ước nguyện viên thành toàn vẹn đối với hàng lãnh đạo Phật giáo. Nhất là khi Miền Nam xuất hiện một chính quyền tỏ ra không mấy thân thiện với đạo Phật.
Ngô đình Diệm được Bảo Ðại phó thự cho hồi hương làm Thủ Tướng. Ông chỉ thị trung thành với Bảo Ðại chứ không trung thành với chức vụ Quốc Trưởng của Bảo Ðại. Ông lật Quốc Trưởng và lên làm Tổng Thống với số phiếu 99 phần trăm. Một điều ít ai nghĩ đến là Phật giáo Huế trân trọng giữ lư hương bài vị của tổ tiên dòng họ Ngô đình, nghĩa là của những vị trước Ngô đình Khả không rửa tội theo Công giáo. Nhưng Phật giáo vẫn có cảm tình hơn với hoàng tộc, nhất là Hoàng Thái Hậu, đệ tử chùa Tường Vân. Không có sự can thiệp của Hoàng Thái Hậu thì Thầy Ðôn Hậu đã bị Pháp xử tử năm 1947. Do đó Phật giáo Huế không khỏi giật mình trước chiến dịch truất phế Bảo Ðại, càng giật mình hơn khi thấy chính quyền nặng tay với Hòa Hảo và Cao Ðài, cụ thể là việc gài bẫy rồi chém đầu Ba Cụt Lê quang Vinh.
***
Rồi cũng đến phiên Phật giáo bị chiếu cố, hết qua chiến dịch bình định Nam Trung Phần, đến kế hoạch dinh điền khẩn hoang lập ấp. Người Phật tử chỉ còn hai con đường lựa chọn: hoặc rửa tội để núp bóng Cha nhà thờ, hoặc phải lìa quê cha đất tổ đi ... vùng kinh tế mới. Thảm trạng của những "quần đảo Gulag" nầy đã được Phật giáo đúc kết thành một hồ sơ đen gửi Tổng Thống và Quốc Hội năm ngày 20.2.1962 với lời cảnh báo Phật giáo đã bị dồn đến chân tường. Chủ chốt trong việc hình thành hắc thư này là Thầy Thiện Minh , người đã có công củng cố phát triển cơ sở giáo hội khắp miền Nam Trung phần và cao nguyên, đồng thời là người kế nhiệm Thầy Trí Quang trong trách vụ Hội Trưởng của Hội nhiệm kỳ 1958-1962. Lời cảnh báo của Phật giáo chỉ như hạt muối rơi xuống biển, hòn sỏi rơi xuống giếng. Trả lời của chính quyền là Tổng Thống anh minh không bao giờ sai lầm và Phật giáo muốn làm loạn. Thế nên Phật giáo phải chuẩn bị tự vệ ... Ðây là thời điểm anh chị em thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi ồ ạt đến với Phật giáo, đến với Thầy Thiện Siêu.
***
Giống như một người vượt biên bằng đường biển sang đến nơi tạm dung rồi mới nghĩ chuyện tập bơi, đại đa số anh chị em sinh viên học sinh chúng tôi không mấy người biết các hoạt động của chùa hội, không mấy người được thân cận với Thầy Thiện Minh, Trí Quang, Thiện Siêu, không mấy người biết rõ các trụ cột của Phật giáo ... Thảng hoặc, chúng tôi có nghe người lớn nhắc đến thành tích hay tiếng tăm của Ôn Trúc Lâm, Linh Mụ, Linh Quang, Diệu Ðế, Sư Bà Diệu Ðức, Hồng Ân ... nhưng chưa bao giờ được gần gũi, chưa bao giờ được trực tiếp giáo huấn răn dạy. Sự thể chỉ vì anh chị em chúng tôi, một số đã là đệ tử của các chùa khác, một số khác thường chỉ là Phật tử gia truyền cha tụng kinh con niệm Phật thế thôi. Cho nên, một năm sau khi biến động Huế xảy ra năm 1963, ngót ba phần tư đoàn viên Ðoàn Sinh Viên Phật Tử Huế và hầu hết ban chấp hành Ðoàn Học Sinh Phật Tử Huế mới chính thức quy y Tam Bảo. Buổi lễ quy y tập thể này được tổ chức tại chùa Thuyền Tôn và Thầy Thiện MInh truyền giới. Chúng tôi theo Thầy sống chết trước khi được Thầy nhận cho làm đệ tử.
Ðoàn SVPT Huế thành lập năm 1962, và tiếp đó là Ðoàn HSPT do nhân sự của Ðoàn SVPT hóa thân phụ trách. Trụ sở là chùa Từ Ðàm mà trú trì là Thầy Thiện Siêu. Từ Ðàm là nơi khỏi sự và cũng là kết điểm của phong trào 1963 ởủ Huế. Trọng trách của Thầy nặng đến chừng nào ai cũng biết.
Anh chị em thanh niên sinh viên học sinh chúng tôi đến với Chùa Từ Ðàm ít nữa cũng vì ba lý do. Thứ nhất, bế tắc tâm linh tư tưởng và nhìn vào Phật giáo thấp thoáng thấy một vài hứa hẹn khai thông. Thứ hai, hoàn cảnh quan liêu xu phụ độc tôn kỳ thị bao quanh chính quyền làm cho chúng tôi không thể thành tâm đến gần chính quyền. Thứ ba, khi Phật giáo lâm nguy kêu gọi thì chúng tôi nghe theo và chạy đến, dù đôi khi chỉ làm quẩn chân các vị lãnh đạo, nghĩa là đến để "chết chùm" chứ chẳng ích gì cho ai cả. Sức mạnh của chúng tôi là lòng thành với tín ngưỡng của cha ông, tình đoàn hữu và một chút mã thuợng ham vui nữa. Ðêm 20.8.1963, chùa Từ Ðàm bị tấn công và tràn ngập. Vĩnh Kha, Phó Ðoàn Trưởng ÐSVPT Huế nhanh chân vượt được vòng vây khỏi khu vục Từ Ðàm trốn vào một cái am vắng và rồi đã bị bắt lại chỉ vì trước khi trèo lên núp sau bàn thờ trên trần nhà, Kha đã cung kính tuột giày dép để lại dưới nền nhà làm dấu cho công an cảnh sát biết ... tui ở trên này, cũng chỉ vì thói quen cởi dày dép khi vào điện Phật! Nguyễn hữu Hiệp, Ðoàn Trưởng Chi Ðoàn SVPT Mỹ Thuật, nghe chùa Diệu Ðế bị tấn công, từ nhà chạy lên tiếp cứu, gặp các nút chặn không vào được, thay vì chạy về nhà tìm cách trốn Hiệp đã bơi vòng qua sông Gia Hội và bơi thẳng vào bến chùa Diệu Ðế. Khi bị bắt về Nha Cảnh Sát Trung Nguyên Trung Phần, Hiệp chỉ có cái quần xà lỏn! Riêng Hoàng tôi nếu không nhờ cô Ðoàn Phó mà chúng tôi thân yêu tặng cho mỹ danh Con YBN, điếc không sợ súng dành dựt tôi với công an cảnh sát ra khỏi trận đòn thù rồi lấy áo che đậy khuất mắt giùm tôi thì biết đâu tôi cũng đã phiêu diêu đâu đó từ khuya. Kha đã giải nghiệp, Hiệp đang sống lưu dày tại Mỹ và Con YBN đang dạy tại một đại học ở Ðức và kiên trì tiếp tục thay anh chị em trả nợ chùa, đến tạ Thầy Từ Ðàm.
***
Biến động 1963, như một ánh đèn thu hút tầng lớp trẻ Miền Nam đến với Phật giáo và trở thành chủ lực của những phong trào khác nhau nhưng có cùng một mẫu số chung là phản chiến, đòi hỏi hòa bình, tự quyết, dân chủ. Ðó là mẩu số chung Phật giáo. Các phe lâm chiến đấu muốn khuynh loát lũng đoạn các phong trào này và đã thất bại nên cuối cùng đã phải dùng đến những biện pháp mạnh là tù tội, tống vô lính, ám sát, gài bẫy tuyệt đường lui.
Năm 1963, khi phong trào bung ra chuyển địa bàn vào Xá Lợi cũng như năm 1966, Thầy Thiện Minh bị mưu sát bằng lựu đạn và Thầy Trí Quang tuyệt thực bị giam lỏng trong Bệnh Viện Duy Tân thì chúng tôi không còn được cận kề Thầy Thiện Minh và Thầy Trí Quang nữa, thế là chúng tôi quay sang níu áo Thầy Thiện Siêu, Thầy Ðôn Hậu của Linh Mụ, Mật Nguyện của Linh Quang, Mật Hiển của Trúc Lâm, Trí Thủ của Ba-La-Mật, Sư Bà Diệu Không, Sư cô Thể Tịnh, Sư cô Cát Tường, Thầy Chánh Trực và Thầy Ðức Tâm những cố vấn giáo hạnh của chúng tôi. Mấy vị khác, đến Từ Ðàm bàn định Phật sự xong là về chùa mình, Thầy Thiện Siêu không biết đi đâu nữa nên ở lại chịu trận cái đám "nhất quỷ, nhì ma" chúng tôi. Chúng tôi có những tên riêng để gọi những người thân thương của chúng tôi. Chỉ có Thầy Trí Thủ là không có mỹ danh, còn Thầy Trí Quang là ông già râu, Thầy Thiện Minh ông pha-cốt, sau này là ông già què, Thầy Linh Mụ ông sún, Thầy Linh Quang ông địa, Thầy Mật Hiển ông ròm, Thầy Chánh Trực Tarzan, và Thầy Thiện Siêu chúa đảng đầu lâu hay ông hô ... chỉ vì Thầy ốm quá, ốm giơ xương. Thầy ốm vì thể chất thì ít, nhưng vì nặng nề Phật sự thì nhiều, và vì cái đám nhất qủy nhì ma chúng tôi nữa.
***
Ai mà chẳng sợ dùi cui, lựu đạn cay, lựu đạn a-xít, chó săn, tù tội. Nhất là tuổi thanh xuân phơi phới chỉ biết ăn học, long nhong phất phơ, chưa hề bị thử thách gian nguy như thế hệ cha anh. Trong cơn khổ nạn, chúng tôi thường khuyến khích nhau bám vào chùa và chung vai sát cánh bằng câu: chỗ của chúng ta là Ðài Phát Thanh Huế, chúng ta đã chậm chân để cho các Thánh Tử Ðạo giữ hết rồi thì nơi mô cũng rứa mà thôi. Ðiều chúng tôi nhắm đến là chủ trương đường lối và lệnh của mấy Thầy phải lan rộng và chính quyền không thể làm ngơ. Tuổi trẻ không chịu ngồi yên, cực chẳng đã không làm gì được thì vào chánh điện tụng kinh, ngoài ra không phát thanh thì cũng hội thảo, không hội thảo thì cũng mít-tinh, không mít-tinh thì xuống đường, không xuống đường thì đình công bãi thị bãi khóa, không đình công bãi thị bãi khóa thì tuyệt thực. Làm sao miễn chủ trương đường lối và lệnh của mấy Thầy được lan rộng tuân hành và chính quyền không thể làm ngơ. Thầy Chánh Trực, ôn Trúc Lâm cái gì cũng được nhưng ông địa, chúa đảng đầu lâu và ôn Trí Thủ thì dè dặt hơn, phải năn nỉ ỉ ôi, giận lẫy đủ thứ mới được. Thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy Thầy nổi cáu, quá lắm Thầy chỉ than: Mấy chú bây làm ta đau đầu quá ... Thầy lo là phải vì dưới văn phòng Ðoàn SVPT và bệnh xá vẫn còn cả chục anh chị em chúng tôi nằm la liệt, kẻ u đầu xẻ trán, kẻ quẹo tay quẹo chân, kẻ bị lựu đạn a-xít qua các cuộc xuống đường trước thỉnh thoảng vẫn lên cơn co giật và la hét vang động khuôn viên Từ Ðàm.
Lúc anh chị em chúng tôi được chỉ định phụ trách mở rộng địa bàn sang chùa Diệu Ðế vì sợ phong trào bị cô lập ở Từ Ðàm, chúng tôi quyết định tuyệt thực và phát thanh chờ cơ hội xuống đường ra phố ... Thỉnh thoảng đến tối, Thầy đi với một vài vị khác trên Từ Ðàm xuống thăm chúng tôi. Một hôm Thầy thấy chúng tôi, không nằm yên để qua cơn đói, cũng không ngồi tụng kinh mà cặp thì vật tay, cặp thì vật chân loạn cả lên. Thầy ngạc nhiên: Ðã nhịn đói, răng không ngồi yên cho khỏe mà làm chi rứa? Hoàng tôi cười gãi tai chắp tay: Bạch Thầy, trưa tối đến giờ ăn, bao tử nó hành hoa mắt chóng mặt, chỉ có làm như rứa mới vui mà quên thôi!
***
Hai sự cố làm Thầy thực sự mất ăn mất ngủ đó là hai quyết định tự thiêu của Thầy Thanh Tuệ và của Thầy Tiêu Diêu vào giai đoạn cuối của phong trào tranh đấu. Thầy Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên rạng ngày 13.8.1963, và Thầy Tiêu Diêu tại Từ Ðàm ngày 16.8.1963.
Với Thầy Thanh Tuệ thì phải làm sao ngăn không cho chính quyền cướp xác đi thủ tiêu. Với Thầy Tiêu Diêu, làm sao giữ bí mật cho chính quyền khỏi ngăn chận cơ duyên hi sinh tối hậu của Thầy.
Sau khi Thầy Thanh Tuệ tự thiêu, Phật giáo dự tính chuyển nhục thân của Thầy về Từ Ðàm để làm lễ an táng cho xứng với hy sinh cao cả của Thầy. nhưng tất cả đường v đều bị nút chặn, Từ Ðàm hầu như bị hoàn toàn cô lập nên phải quàng lại tại chùa Phước Duyên. Việc canh giữ được ủy thác cho Thầy Tarzan Chánh Trực. Chính quyền Huế ra tay, khiến cho mấy chục thanh niên Tăng Ni và Phật tử bị thương vì dùi cui và báng súng. Tối hôm đó, đài phát thanh VOA và BBC loan tin ngay vụ này với một chi tiết mà cho đến sau này chúng tôi mới biết là đặc biệt. Sau ngày 1.11.1963, Thầy trò chúng tôi mới được tự do. Hoàng tôi lên hầu Thầy, kể những kinh nghiệm trong tù và Thầy hỏi: Nì, trong bản tin cướp xác Thầy Thanh Tuệ, mấy cậu viết cái chi mà công an họ hỏi tui quá trời ... Họ tố mình vu vạ, không nói có về chuyện số xe chi đó. Thầy nhắc Hoàng tôi mới nhớ, hồi đó SVPT chúng tôi được chùa chỉ định phụ trách phát thanh, nghĩa là lo những bản tin phổ biến ngày hai buổi. Chúng tôi phong thanh biết là Hoa Kỳ đã tố cáo chính quyền Việt Nam dùng quân đội vào việc đàn áp rồi dọa cắt viện trợ quân sự. Chính quyền cả quyết không có chuyện đó. Chúng tôi muốn tìm bằng chứng chính quyền không nói sự thật. Vì vậy nên trong các toán tăng viện giữ xác, một số anh em đã được yêu cầu để mắt đến những chi tiết thuần tuý quân sự nếu có. Bảng số hai chiếc quân xa GMC chở lính tham dự vụ cướp xác đã được ghi nhận và cho vào bản tin buổi chiều của chùa. Ðến tối, đài VOA và BBC loan tin và lặp lại các chi tiết đó. Chính quyền dĩ nhiên vẫn đoan chắc không có chuyện này, nhưng rồi phải đưa Lực Lượng Ðặc Biệt ra khỏi Sài Gòn để đi hành quân hoặc chuyển họ thành Cảnh Sát Dã Chiến để viện trợ quân sự khỏi bị ảnh hưởng. Chính quyền cay cú và làm tình làm tội Thầy vì lẽ do đó.
***
Thầy Tiêu Diêu trứơc khi tự thiêu đã ở tại Từ Ðàm. Trước tiên, Thầy quyết định chọn địa điểm Ðài Phát Thanh Huế, nhưng tin tức bại lộ, chuyện không thành phải đình hoãn. Kẻ phụ trách vụ này là Thầy Trúc Lâm với chiếc xe Renault đen bất hủ của Thầy. Trở về Từ Ðàm, Thầy Tiêu Diêu tỉnh tọa trước điện Phật để cởi áo tràng có lót những lớp bông gòn dày ... Từ đó hằng đêm trước khi đi ngủ, anh chị em chúng tôi đã lên điện Phật tụng niệm với Thầy cho đến lúc Thầy quyết định lần thứ hai thành công. Hộp diêm trong tay Thầy xẹt lên khơi bừng biển lửa lúc 3 giờ sáng, trong khuôn viên chùa Từ Ðàm. Ðây là những hình ảnh còn sống động với Hoàng tôi đến bây giờ. Những hình ảnh đã làm choái cho tôi vịn đi tới những lúc rã rời chỉ muốn xuôi tay bỏ cuộc.
Thành phố Huế tê liệt vì hai vụ tự thiêu trong vòng ba ngày. Ngày 16.8. tổng đình công bãi thị. Ngày 17.8 Ðại Học Huế nhập cuộc, các giáo chức từ chức, theo học trò mình xuống đường. Chén nước đã tràn ... Ðêm 20.8, chiến dịch Nước Lũ khởi động toàn quốc. Từ Ðàm, Diệu Ðế và các chùa khác bị tràn ngập. Thầy trò, anh chị em chúng tôi vào tù, để làm nhân chứng cho điều Phật giáo đã cảnh báo: Phật giáo bị chính quyền kỳ thị và đàn áp là điều có thật.
Sau 1963, Thầy còn lao đao lận đận nhiều lần nữa. Nặng nề nhất là vụ Miền Trung 1966, vụ Mậu Thân 1968, Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, Huế bị bỏ ngỏ rồi Miền Nam sụp đổ 1975.
Hoàng tôi xa Thầy từ cuối năm 1966, khi Phật giáo bí mật chuyển chúng tôi vào Sài Gòn trong lúc chúng tôi đang phải bôn đào vì bị truy nã. Ðất nước chưa yên, mình chưa yên, đất nước yên rồi cũng chỉ mới cho ai khác. Hoàng tôi lại vào tù, và khi được tạm tha thì phải chọn đời lưu vong ... Tôi xa Thầy từ đó, bao nhiêu năm sau mới nối lại liên lạc, dù chúng tôi vẫn nhớ Thầy, kính phục Thầy, cầu nguyện cho Thầy chân cứng đá mềm.

Hoài niệm Huế gắn liền với Từ Ðàm, nơi đã giúp anh chị em chúng tôi nên người. Gốc me già bên trái, cội bồ đề bên phải và hình ảnh Thầy từ ái thấp thoáng trong sân chùa hay trên nhà khách. Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siêu là ba người anh chị em chúng tôi được kế cận, dìu dắt. Thầy là người nghiêm nhất mà cũng là hiền nhất. Chùa tổ của cả ba là Thuyền Tôn, nhưng cả Thầy Trí Quang và Thiện Minh đều bám trụ Từ Ðàm để quất rầy ông anh thay vì vô Thuyền Tôn làm nũng với Thầy tổ là đệ nhị Tăng Thống Giác Nhiên. Thầy Trí Quang và Thầy Thiện Minh ham đánh cờ và cũng ham cãi nhau về nước cờ nữa. Thỉnh thoảng Thầy phải hòa giải với nụ cười bao dung lấp lửng: hai "thằng cha nớ ... !" Mỗi lần Thầy Trí Quang hay Thầy Thiện Minh có chuyện dặn bảo anh em, hình như có một sự phân công nào đó rồi nên Thầy ít

khi dự, trừ những khi có quyết định lớn thì Thầy dự với các Thầy Linh Quang, Linh Mụ, Trúc Lâm, Ba La Mật, Sư Bà Hồng Ân ... Thầy là người chúng tôi chờ lệnh hoặc phải thỉnh ý trước tiên những khi Thầy Thiện Minh hay Thầy Trí Quang không có mặt ở Huế. Thầy Trí Quang hay Thiện Minh về, anh chị em lại rộn rịp tấp nập lên Từ Ðàm. Những hình ảnh thân yêu đó kẻ đã ra đi, kẻ lưu lạc phương trời. Thầy Thiện Minh, Thầy Ðôn Hậu, Thầy Trí Thủ, Thầy Mật Nguyện, Thầy Mật Hiển, Sư Bà Diệu Không, Thầy Chánh Trực, Thầy Ðức Tâm ... những người chúng tôi được kề cận bây giờ đã phiêu diêu lạc cảnh. Bây giờ đến lược Thầy bỏ chúng tôi mà đi. Lê khắc Quyến, Bùi tường Huân, Phan đình Bính, Vĩnh Kha, Phan chánh Ðông, Bảo Cương, Nguyễn khắc Từ, Hoàng kim Cúc, Ðặng Tống Tịnh Nhơn, Văn đình Hy ... kẻ trước người sau đều đã giải nghiệp. Bao nhiêu người thân thương khác còn sống thì mỗi người một phương. Quanh quẩn nhìn lại để thấy rằng ánh sáng và hoài niệm thân thiết cuối cùng đối với anh chị em chúng tôi chỉ còn mình Thầy Trí Quang, đang tịnh khẩu như Ca-Diếp lặng yên phe phẩy cành hoa trước mặt bao nhiêu năm nay.
***
Ðất nước hoà bình thống nhất trong một hoàn cảnh thế giới đã đổi thay, nên có những nhu cầu tâm linh đạo đức cũng như thế trị mới, do đó Phật giáo cũng đã chuyển mình vào một nhiệm vụ mới gian truân, nặng nề, đầy thử thách. Thầy là một nhân vật đầu đàn của giai đoạn này. Thầy có cách phục vụ đạo và đời của Thầy, như Thầy Minh Châu, Thầy Huyền Quang, Thầy Trí Tịnh và những bậc tôn túc khác mà chúng tôi ít có duyên may kế cận. Với Thầy, đạo và đời hình như là một, phục vụ đời là phục vụ đạo, Thầy không chấp trước những thị phi thế trị nên Thầy duy trì được dòng sinh hoạt tồn tục của Phật giáo, dù cộng nghiệp có khi rất nặng nề, dù y báo có khi rất nghiệt ngã. Một điều nữa làm cho chúng tôi thương kính Thầy hơn là Thầy đã âm thầm đưa di cốt của Thầy Thiện Minh về Thuyền Tôn.
Từ Ðàm là biểu tượng của khai nguyên của Phật giáo hiện đại, Thầy là biểu tượng của Từ Ðàm. Biểu tượng đó sống mãi. Anh linh, uy nghiêm và thân yêu như lời ca của bản Từ Ðàm Quê Hương Tôi đánh động lòng người Phật tử Huế ít ra cũng một lần trong đời.
Một lần thôi cũng đủ cho cả đời, như kinh nghiêm Từ Ðàm của anh chị em thanh niên, sinh viên học sinh chúng tôi từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước.
Hoàng Nguyên Nhuận
Phong Trang 10.10.2001,
ngày báo thân Thầy nhập tháp.


 [ Trở Về ]