Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) Phần 1: LỜI NÓI ĐẦU Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch Trong khi khảo cứu về Phật giáo và soạn quyển sách này, tôi tự nghĩ mình đối với Phật pháp, cũng như con chim toan chữa lửa.

Chuyện là thế này. Tích nhà Phật có ghi lại rằng thuở trước, gặp một cơn hỏa hoạn thiêu cháy cả núi rừng. Có một con chim thấy vậy, thương xót cho sanh mạng của biết bao loài phải chết trong ngọn lửa dữ, nó bèn vội bay xuống sông, thấm nước cho ướt cánh rồi bay lên giũ lông cho nước rơi xuống đám lửa, những mong làm cho tắt đi. Vẫn biết rằng nước có thể làm tắt lửa. Song nước mà chim kia mang lên đó, thật có thấm tháp vào đâu?

Cũng như thế, cái trí hèn của tôi có khác nào sức của chim kia, mà pháp Phật cũng như nước sông mênh mông kia vậy. Cái trí của tôi liệu đã hiểu được bao nhiêu trong pháp Phật mà mong làm nên chuyện cứu khổ độ sinh? Song, tôi cũng nguyện như chim nhỏ kia, quyết gắng hết cái sức tầm thường này mà rộng truyền pháp Phật vô tận vậy.

Đã tự biết mình như vậy, nên việc tôi biên soạn cuốn “Tăng đồ nhà Phật” này, trong đó có cả phần giới luật của tăng sĩ Phật giáo, chắc chắn sẽ khó lòng mà hoàn hảo được. Tuy vậy, tôi cũng rất vui được cống hiến sức mình để ghi chép ra đây ít nhiều những tư liệu quý giá, giúp cho những ai muốn tìm hiểu Phật pháp sẽ có được chút thuận lợi trên con đường học hỏi cam go này!

Ngoài ra, tưởng cũng nên nói đến một nỗi khó này nữa. Trong hàng tăng sĩ, hẳn không khỏi có đôi vị sẽ phàn nàn rằng: “Trong quyển sách này sao lại có cả giới luật của hàng xuất gia? Đã là chuyện của hàng xuất gia, sao chẳng giữ cho riêng biệt mà lại mang ra trình bày với người thế tục?”

Lời ấy cũng có phần hữu lý. Có lẽ các vị sợ rằng người thế tục vốn không thọ trì những giới luật ấy, nay biết đến thật chẳng ích gì, đôi khi lại khinh thường mà mắc thêm tội. Còn với tăng sĩ thì đã học chữ Hán rồi, có thể đọc ngay bản chữ Hán, chẳng cần phải dịch ra quốc âm.

Nhưng lại cũng có một số ít khác có thể âm thầm e ngại rằng, như thiện nam tín nữ mà hiểu giới luật của tăng sĩ, sẽ mất đi sự kính trọng đối với các ngài nếu các ngài có đôi khi sai phạm, lỗi lầm.

Thiết nghĩ rằng, chúng ta ai cũng yêu chân lý, những gì thuộc về chân lý bổ ích thì chúng ta đều có thể tìm học. Ai dám nói rằng hàng cư sĩ tại gia không cần phải hiểu giới luật? Không đâu, cần lắm chứ. Cư sĩ tại gia mà hiểu giới luật, mới có thể phân biệt được một vị tăng có đức độ hay không, mới có thể tránh xa những kẻ hủy phạm giới luật, và kính mộ nương về theo những vị nghiêm trì giới luật. Lại nữa, ai dám chắc rằng trong hàng cư sĩ tại gia lại không có những người có thể giữ theo một phần lớn trong giới luật? Dù chẳng được hoàn toàn đoan chánh như các bậc cao tăng, nhưng cũng lắm kẻ tuy là hàng bạch y cư sĩ mà tâm trí lại mong muốn thoát trần!

Ngày xưa, lúc chư tăng kết tập kinh điển lần đầu, ngài Ca-diếp có nói rằng: “Hàng cư sĩ tại gia cũng hiểu giới luật như chư tăng. Nếu chư tăng sai sót hoặc bỏ bớt đi những giới nhỏ nhặt, họ sẽ trách rằng vì Phật đã nhập diệt nên chư tăng trở nên bừa bãi, chẳng tuân giữ giới luật.” Theo như lời ấy, người thế tục chẳng phải là cũng nên hiểu biết giới luật đó sao?

Ở một số nước mà ngày nay đạo Phật còn giữ được quy củ nghiêm ngặt và hàng cư sĩ tại gia thông hiểu giới luật, mỗi khi thiện nam tín nữ nhận thấy vị tăng sĩ nào không giữ đúng giới luật, tịnh hạnh, họ liền đến thưa với vị Trưởng lão chủ trì trong chùa. Họ làm như vậy để xây dựng tăng đoàn trong sáng thanh cao. Vì vậy, chư tăng nơi ấy sẽ hội lại mà tra xét, và nếu đúng vậy thì sẽ kịp thời mà trách phạt người phá giới. Được như vậy, người tại gia hiểu giới luật chẳng phải là hữu ích lắm đó sao?

Giới luật là chỗ nương theo của người học đạo. Có nghiêm trì giới luật mới có thể được đạo giải thoát. Vậy nên hết thảy mọi người, nhất là tăng sĩ, phải thường xuyên tụng đọc giới luật. Mỗi khi xem giới luật, khác nào mình tự soi lòng. Như người có soi vào gương mới thấy chỗ dơ trên mặt mà lau rửa. Nếu bỏ phế lâu ngày, tất nhiên khi nhìn vào phải hoảng sợ vì thấy mặt mình dơ nhớp quá lắm vậy. Thường xem giới luật cũng thế, giúp cho mình biết lỗi mà sửa ngay, mới giữ được sự trong sạch, tâm trí được yên vui.

Như vậy, những ai không biết chữ Hán, nay có thể xem trong quyển “Tăng đồ nhà Phật” này, vừa ngắn gọn, vừa rõ ràng, dễ hiểu.

Đọc hiểu giới luật, vừa để giữ mình theo đó, vừa để tìm hiểu thêm về đạo cao thượng, vì giới luật chẳng những là giáo điều, mà cũng là triết lý sâu xa trong đó nữa. Người giữ được giới luật sẽ trở nên trong sạch, minh mẫn, hiểu rộng ra nhiều điều. Vậy nên giới luật cũng là những điều rất nên tìm tòi học hỏi vậy.

Ở Nhật Bản có Luật tông là một chi nhánh rất thịnh trong đạo Phật, nhờ các vị cao tăng luôn giữ giới luật một cách chuyên cần, thận trọng. Cùng nhau tin theo lời Phật, quyết hành trì theo đúng giới luật. Các vị tăng đều nhận rằng kẻ noi giữ theo giới luật tức là theo đúng pháp Phật, có thể đắc đạo. Khi đức Phật còn trụ thế, ngài từng nói với tôn giả A-nan rằng: “Này A-nan! Sau khi ta tịch rồi, giới luật chính là thầy của các ngươi đó. Giới luật sẽ bảo vệ và nâng đỡ cho các ngươi.”

Do nơi giới luật mà có thể giúp người tu giữ cho thân tâm an định. Do nơi thân tâm an định mà trí tuệ dần dần phát sanh. Do nơi trí tuệ phát sanh mà có thể phá trừ tà kiến, ma chướng, phiền não... hết thảy những ác nghiệp.

Mong sao quyển sách này sẽ giúp ích được phần nào cho những ai muốn bước lên đường tu tập, có thể theo đây mà vạch ra cho mình được một hướng đi đúng đắn lâu dài.

Tháng giêng năm 1934

ĐOÀN TRUNG CÒN


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) Phần 2: VỀ LẦN TÁI BẢN NÀY Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch Quyển Tăng Đồ Nhà Phật của cư sĩ Đoàn Trung Còn trước đây đã được sự khuyến khích, đánh giá cao của nhiều học giả đương thời, trong đó có cả cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Chủ nhiệm tạp chí Viên Âm ở Huế, một người mà có lẽ trong giới học Phật ai ai cũng đã từng biết tiếng. Ngày 21 tháng 2 năm 1935, ông Lê Đình Thám đã tự tay viết thư gởi cho soạn giả để khích lệ, sau khi đọc được quyển sách này.

Khi khởi sự việc hoàn thiện quyển sách cho lần tái bản này, chúng tôi cũng không khác gì cư sĩ Đoàn Trung Còn trước đây, cũng vô cùng lo lắng về sự hiểu biết ít ỏi của mình trước một công việc quá ư lớn lao, và chúng tôi hết sức tâm đắc với hình ảnh con chim chữa lửa mà cư sĩ đã đưa ra.

Tuy nhiên, noi theo gương người đi trước, chúng tôi không nệ tài hèn sức mọn, cũng cố hết sức mình, với một tâm nguyện duy nhất là mong góp được phần nhỏ nhoi trong việc rộng truyền những lời Phật dạy.

Trong lần tái bản này, chúng tôi cho in kèm theo phần nguyên văn chữ Hán. Về phần Việt dịch, chúng tôi cũng rà soát lại toàn bộ nội dung và căn cứ vào nguyên bản Hán văn để bổ sung, sửa chữa rất nhiều vấn đề.

Trong khi thực hiện công việc, chúng tôi đã nhận được sự động viên, khuyến khích của rất nhiều bằng hữu cùng các bậc tôn túc, tại gia cũng như xuất gia. Nay bước đầu của công trình đã tạm hoàn tất, chúng tôi xin chân thành ghi nhận sự đóng góp của tất cả quý vị.

Chúng tôi xin chân thành biết ơn Thượng Tọa Thích Quảng Hạnh, Đại Đức Thích Nhuận Châu, đã nhận lời đọc lại bản thảo và đóng góp cho chúng tôi rất nhiều ý kiến quý báu trong phần Hán văn cũng như Việt dịch. Ngoài ra, các vị cũng đã tìm giúp nhiều bản Hán văn khác nữa để chúng tôi có thêm điều kiện tham khảo và đối chiếu.

Riêng về phần Hán văn, chúng tôi đặc biệt ghi nhận công lao đóng góp của cụ Nguyễn Minh Hiển trong việc đối chiếu tất cả các văn bản khác nhau. Dù đã hơn 80 tuổi, cụ vẫn miệt mài làm việc không mệt mỏi, giúp chúng tôi phát hiện và sửa chữa rất nhiều sai sót trong bản thảo chữ Hán trước khi đưa in.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cảm ơn các vị tiền bối như Hòa thượng Thích Đồng Huy, Ni sư Thích nữ Thể Thanh, về việc đã tham khảo bản dịch trước đây của các vị; và nhất là các anh Nguyễn Tường Bách, Chân Nguyên Đỗ Quốc Bảo, soạn giả của bộ Từ Điển Phật Học mà chúng tôi đã sử dụng đến trong quá trình biên soạn.

  Về phần Việt ngữ, chúng tôi ghi nhận nỗ lực đóng góp lớn lao của tất cả các anh chị em trong nhóm Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Quang, Nguyễn Thị Kim Liên, Lê Thị Thanh Diệu ...  đã làm việc rất tích cực để quyển sách được hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Chúng tôi cũng chân thành biết ơn anh Nguyễn Hữu Cứ, nhà sách Quang Minh (TP.HCM) đã động viên và hỗ trợ cho nhóm chúng tôi rất nhiều, cả về tinh thần lẫn vật chất. Không có sự đóng góp của anh, chắc hẳn quyển sách chưa thể hoàn thành vào thời điểm này.

Cuối cùng, dù đã cố gắng hết sức trong phạm vi khả năng mình, chúng tôi tự biết khó lòng tránh khỏi ít nhiều sai sót. Kính mong các bậc cao minh rộng lòng chỉ giáo.

  Tháng 7 năm 2002

NHÓM THỰC HIỆN


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có. Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) Phần 3: GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch Tăng, hay Tăng-già, do tiếng Phạn là Sangha mà ra. Đó là chỉ chung cho giáo hội, tập hợp tất cả những đệ tử của Phật đã xuất gia và thọ trì đủ giới luật. Trong Tăng-già gồm có tỳ-kheo là các vị phái nam và tỳ-kheo ni là các vị thuộc nữ giới. Tỳ-kheo và tỳ-kheo ni đều có những giới luật nghiêm ngặt. Tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng nhìn chung đều là để giúp cho người tu luôn luôn đi đúng theo con đường mà Phật Tổ xưa đã vạch ra, nhằm đạt đến chỗ diệt hết khổ não và thoát khỏi luân hồi.

Ở các nước còn giữ được quy củ giống như xưa kia, thì việc được xuất gia làm một vị tỳ-kheo là vinh dự lớn lắm. Muốn các vị trưởng lão thâu nhận, phải có đủ các điều kiện đúng đắn, thanh cao. Và khi đã làm đệ tử xuất gia của Phật thì khác hẳn với người thế tục, phải quyết chí đạt được trí tuệ giải thoát ngay ở đời hiện tại này.

Ở các nước ấy, ai không giữ được tịnh hạnh, hủy phạm đại giới thì người ta không cho ở lại chùa, hoặc ai tự biết mình không đủ nghị lực mà thắng tình dục thì có thể xả giới, trở lại đời sống của thế gian. Vì thế, trong giáo hội đều toàn là những người trong sạch. Cũng ở các nước ấy, người xuất gia chỉ gọi chung là tỳ-kheo, tỳ-kheo ni mà thôi, không có đặt ra các chức phận lớn nhỏ trong tăng đoàn. Tuy nhiên, ai có đức hạnh và trí tuệ thì được kính trọng lên hàng trên trước. Thường thì đó là những vị nhiều tuổi đạo, những bậc trưởng lão thông thuộc kinh điển, giới luật và tu thiền nhiều năm.

Giáo hội Tăng-già chỉ gồm các vị tăng ni đã thọ đủ giới mà thôi, không tính đến hàng Phật tử cư sĩ tại gia và hàng sa-di, tức là những người xuất gia chưa đủ hai mươi tuổi, hoặc tuy lớn tuổi nhưng còn trong thời gian mới xuất gia chưa được thọ đủ giới.

Ở những nơi theo Đại thừa, hàng tăng sĩ được phân ra nhiều thứ bậc, và giới luật không hoàn toàn giữ nguyên như thuở xưa mà thường có sự châm chế, thay đổi ít nh