Tu học Phật pháp Phần 1: Tư tưởng Kinh Pháp Hoa Thích Chơn Thiện LỜI DÂNG

Kính đảnh lễ đức Thế Tôn, đấng Pháp vương vô thượng, con cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, đấng Toàn giác, đã mở rộng đường giải thoát cho chúng con và cho đời.

Lời dạy của Thế Tôn vô cùng thiết thực và thậm thâm. Hiểu biết bé bỏng của con làm sao đến được nghĩa sau cùng!

Viết về lời dạy của đức Thế Tôn con vô cùng ngần ngại. Con xin thành kính sám hối về những hạn hẹp tư tưởng của con được trình bày trong cuốn sách này.

Điều duy nhất con mơ ước là kính dâng lên Thế Tôn lòng quy ngưỡng của con trọn đời và trọn kiếp luân hồi và mong được trực tiếp nghe lời dạy của Thế Tôn từ kim khẩu.

Ngưỡng mong được hộ trì.

Cùng tử,
Tỷ kheo Thích Chơn Thiện


 
LỜI NÓI ĐẦU

Từ năm 1961, chúng tôi may mắn được cố Đại lão Hòa thượng thượng Trừng hạ Thông, hiệu Tịnh Khiết, chỉ dạy giáo lý Nhất thừa qua những tháng ngày hành Sa di hạnh. Đến năm 1964, chúng tôi mới thực sự đi vào tham học giáo nghĩa Đại thừa, A hàm và Pàli Nikàya dưới sự chỉ dạy của chư Tôn túc trong Giáo hội, và đi từng bước học hỏi cẩn trọng.

Từ lâu, chúng tôi đã có nhiều suy nghĩ về phần giáo lý căn bản của các bộ phái Phật giáo, nhưng chưa dám trình bày hiểu biết thô thiển của mình trong bất cứ một công trình biên khảo nào.

Nhiều năm trở lại đây, chúng tôi có nhân duyên phụ trách một số giờ dạy Phật học ở Đại học Phật giáo, đã có dịp nghe nhiều tiếng nói khác nhau của các hệ phái Phật giáo và có dịp đối chiếu.

Đầu năm 1985, nhân dịp trú ở chùa Linh Sơn, Đà Lạt, chúng tôi có thì giờ đi sâu vào trầm tư giáo lý Nhất thừa, và khởi sự viết tập Tư tưởng Pháp hoa này.

Với ý hướng tìm đến cái nhìn thống nhất giáo lý các hệ phái dựa vào niềm tin rằng sự thật của các pháp không thể có hai, chúng tôi phấn khởi đọc lại từng dòng Pháp hoa và mạnh dạn viết ra những suy nghĩ của mình.

Bấy giờ lòng vẫn chưa dứt hết hoài nghi về tình trạng có thể có một số ngôn từ xen kẽ vào nguyên bản qua nhiều thế kỷ truyền bá vì các lý do ấn loát, xã hội... nhưng vẫn đi đến quyết định giới thiệu tập tư tưởng này đến quý Phật tử để có thêm tài liệu tư duy giữa nhiều tiếng nói Pháp hoa hiện nay, trong khi chờ đợi các công trình biên khảo Pháp hoa của các bậc Thượng trí.

Rất mong chư Tôn túc và các bạn đọc hỷ xả trước những thiếu sót mà tập sách này khó tránh khỏi.

Xin chân thành cảm tạ và xin trân trọng đón nhận những ý kiến bổ khuyết.

Trân trọng,

Đà Lạt, PL. 2529, 1985

Tỷ kheo Thích Chơn Thiện (biên soạn)


 
Tư tưởng Kinh Pháp Hoa
NXB Phương Đông, tháng 7-2013, tr. 7-8


PHẦN KẾT CỦA SOẠN GIẢ

I. VỀ QUAN ĐIỂM CỦA KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Tự thân của giáo lý Phật giáo vốn là tích cực, bởi vì Phật giáo giúp người đời dập tắt mọi nhân tố của khổ đau ngay giữa cuộc đời này. Ý nghĩa đi ra khỏi ngôi nhà lửa Tam giới của Pháp hoa không phải từ bỏ cuộc đời để đi đến một thế giới xa lạ nào khác, mà là từ bỏ tham, sân, si, sầu, bi, khổ, ưu, não. Con đường đi ra khỏi Tam giới thực sự là con đường đi vào cuộc đời với tâm lý vô tham, vô sân, vô si, vô chấp, với lòng đại từ đại bi. Đó là ý nghĩa tích cực của Pháp hoa.

Nhưng ý nghĩa tích cực vừa đề cập là ý nghĩa thông thường. Cứ một nếp sống cách ly quần chúng, lánh xa khổ đau thì người đời cho là yếm thế, tiêu cực; một nếp sống đi vào chốn xôn xao, gần gũi với khổ đau trần thế thì được gọi là nhập thế, tích cực. Sự đánh giá đó đầy tính hình thức.

Thực sự, hình thái tu tập nào đúng nghĩa Giới, Định, Tuệ đều mang ý nghĩa tích cực cả, bao gồm cả nếp sống độc cư, thiền tịnh.

Pháp hoa không dừng lại ở ý nghĩa tích cực và tiêu cực có tính hình thức trên, mà xây dựng một mẫu Phật tử lý tưởng (tu sĩ và cư sĩ) gọi là Bồ tát, kết hợp chặt chẽ và điều hòa giữa tự do và độ tha để vừa đáp ứng với yêu cầu của giải thoát và yêu cầu của xã hội. Đấy là việc thực hành Tứ diệu đế cho đến rốt ráo song song với việc thể hiện tâm đại bi.

Qua đó, Pháp hoa đã định nghĩa rõ ràng rằng:

Đạo chính là đời được xóa bỏ phiền não, khổ đau, chấp thủ.

Pháp hoa cũng không đánh giá cao hay thấp giáo lý của bất cứ bộ phái Phật giáo nào, mà chỉ giới thiệu con đường giải thoát Giới, Định, Tuệ và lòng đại bi như là con đường truyền thống đưa đến giải thoát tối hậu. Phải chăng đây là cái nhìn giáo lý có thể đặt nền tảng cho việc thống nhất các giáo lý bộ phái Phật giáo?

Pháp hoa chấp nhận có cảnh giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà, nhưng xác định đó là cảnh giới của sự thành tựu công phu tu tập Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Tri kiến giải thoát.

Pháp hoa vẫn ca ngợi việc tôn thờ xá lợi Phật hay việc thực hành tín ngưỡng giải thoát, nhưng xem việc tự tu tập phát triển trí tuệ toàn giác do sự nỗ lực là cao quý nhất.

Pháp hoa rất quan tâm đến hạnh Bồ tát cứu khổ chúng sinh, nhưng xem trọng điểm của việc độ sanh vẫn là giảng dạy Diệu pháp “Nhất thừa”.

Pháp hoa chỉ rõ Tam giới hay năm thủ uẩn là khổ đau, nhưng vẫn khuyến khích hàng Bồ tát ở lại cuộc đời để giáo hóa. Đây là thực chất của Trung đạo đế của Pháp hoa (bao gồm cả chân đế và tục đế), là Diệu hữu của giáo lý Bắc truyền và là Hiện tượng luận của Phật giáo.

Pháp hoa quan niệm tất cả chúng sinh đều có Phật tính, và các pháp vốn là “không tướng” (như pháp), nhưng vẫn dạy tu tập để phá đổ các ngăn che trí tuệ toàn giác.

Tất cả các điểm tóm tắt vừa nêu là sắc thái giáo lý tích cực của Pháp hoa.

II. TỔNG LUẬN

Tiếng nói đích thực của Phật giáo bao giờ cũng tích cực, nhân ái, trí tuệ và thích ứng với mọi căn cơ, đem lại lợi ích cho tất cả. Pháp môn tu tập vì thế cũng có nhiều như số lượng căn cơ sai biệt của con người. Nhưng dù tu tập theo bất cứ pháp môn nào, tâm thức vẫn phải vận dụng Giới, Định, Tuệ và tâm đại từ đại bi để loại trừ hoàn toàn chấp thủ, tham ái, để nhổ bật lên tận gốc rễ của khổ đau, và đi vào thật trí. Giáo lý ấy đặt chúng ta trước một chọn lựa cực kỳ quan yếu, đó là:

Hoặc là chấp thủ ngã tướng để tiếp tục thiêu cháy tâm thức mình trong ngọn lửa dữ dội của Tam giới;

Hoặc chấp nhận con đường vào thực tại vô ngã để chấm dứt khổ đau.

Pháp hoa cũng nói lên tiếng nói truyền thống ấy của Phật giáo và cũng đặt chúng ta trước một chọn lựa ấy: Hoặc tiếp nhận cái chìa khóa của một sản nghiệp giá trị vô lượng, hoặc là tiếp tục nổi trôi với tự ngã nhỏ nhen.

Pháp hoa luôn luôn khích lệ chúng ta lên đường với hành trang vô ngã và đi vào đời để thắp sáng trí tuệ vô ngã ấy cho mình và cho người.

Việc đọc, tụng, biên chép, ấn hành, diễn nói và tu tập Pháp hoa không phải chỉ là đối với cuốn kinh Pháp hoa, mà còn đối với cuốn kinh lòng và cuốn kinh cuộc đời là đích thực đi vào ý nghĩa của Pháp hoa vậy.


Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.