Tự viện đó đây Phần 1: Tổ Đình Sắc Tứ Linh Quang Mãn Đường Hồng Tổ Đình Sắc Tứ Linh Quang tọa lạc tại số 133, ấp Đa Thiện , khóm Lạc Thành, phường 6, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, là ngôi chùa đầu tiên đặt nền móng khơi nguồn đạo Phật tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Năm 1914, thế chiến thứ I bùng nổ ở Châu Âu. Do đường giao thông bị cắt đứt không thể trở về chính quốc, người Pháp tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam phải tìm một nơi nghỉ hè khác. Thế là, sau bao nhiêu năm yên nghỉ kể từ khi được bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện (1893), vào năm 1900, toàn quyền Daul Doumer đã cho thành lập nơi nghỉ mát Đà Lạt, được người Pháp đổ xô tìm đến. Từ năm 1915, các công trình hạ tầng cơ sở được người Pháp gấp rút xây dựng. Vì thế họ đã mộ nhiều lao động bản xứ đến từ các tỉnh miền Trung như: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Thời gian đầu, các người lao động làm thuê cho người Pháp, sau đó họ định cư lâu dài trên vùng đất mới này. Tuy nhiên, đến năm 1923, dân cư Đà Lạt cũng chỉ khoảng 1.500 người.

Trong bối cảnh đó, vào năm 1921, Hoà Thượng Thích Nhơn Thứ thế danh Trần Xin, sinh năm Giáp Ngọ (1894), người ở Phú Yên, pháp danh Tâm Trung, tự Từ Lý thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43, theo chân những người di dân từ Khánh Hoà vào, đã đặt chân đến Đà Lạt. Hơn một thế kỷ trước, nơi đây chỉ là rừng thiêng thú dữ, quanh năm sương mù rét lạnh, dân cư thưa thớt. Sau khi tìm được một khu đất hẻo lánh rộng khoảng 1ha trên một ngọn đồi chưa có người khai phá (nay thuộc Ấp Đa Thuận, P.6, TP. Đà Lạt), Ngài dừng chân và tạo dựng một ngôi thảo am nhỏ để tu tập. Ban đầu Ngài có ý định dựng chùa gần khu Hoà Bình, cạnh cầu An Hoà (phường 1 ngày nay), nhưng ngài nhìn thấy gần đường Cầu Quẹo (số 4 đường Hai Bà Trưng ngày nay) có nghĩa trang đầu tiên, nên Ngài quyết định dựng chùa tại đây để cầu siêu tế độ cho hương linh những người quá cố. Sau đó, Ngài đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Phước Tường (Tổ đình Thiên Bửu - Ninh Hòa), Hòa thượng Thích Từ Nhãn (Tổ đình Bát Nhã - Tuy An - Phú Yên) và Hòa thượng Thích Nhơn Nguyện (chùa Linh Quang - Diên Khánh) đồng chứng minh đặt tên cho ngôi thảo am này là: “Linh Quang Tự”. Từ đó, Hoà thượng bắt đầu hoằng dương chánh pháp, khai nguồn đạo Phật tại vùng đất Lâm Đồng (lúc này còn mang tên là tỉnh Đồng Nai Thượng). Vì thế, chùa Linh Quang được xem là ngôi Tổ đình đầu tiên của Đà Lạt và Hòa thượng Nhơn Thứ là vị Tổ khai sơn Phật giáo Lâm Đồng nói riêng và Phật giáo vùng cao nguyên nói chung.

Ngày 11 tháng 3 năm 1933, được các phật tử Đỗ Sinh, Trần Văn Tài, Trương Văn Nhàn, Nguyễn Văn Nhạn và Lê Văn Cam hỗ trợ tài vật cúng dường, Hòa Thượng cho xây dựng lại chùa Linh Quang được khang trang hơn bằng vách ván ngo, mái lợp tôn, với kích thước bề ngang 7m, bề dọc 7m, bề cao 6m, có lập bản vẽ trình chính quyền Pháp, được chấp thuận với giấy quyết định ghi: “Cho phép khởi hành xây dựng chùa và chuyển giao cho người nộp đơn theo đúng các kích thước ghi trong bản vẽ. Thị trưởng: A. Darles ký ngày 11 tháng 3 năm 1933.” (Bản vẽ đó hiện nay vẫn còn).

Do cảm mến đức độ của Hoà Thượng và được biết chùa Linh Quang là ngôi chùa đầu tiên tại vùng đất “Hoàng Triều Cương Thổ”, tỉnh Đồng Nai Thượng nên vào ngày 27 tháng 9 năm 1938 (niên hiệu Bảo Đại thứ 13), Đức Đoan Huy Hoàng thái hậu và vua Bảo Đại đã ban biển ngạch Sắc tứ cho chùa. Biển ngạch ghi rõ: “Sắc Tứ Linh Quang Tự, Bảo Đại thập tam niên, cửu ngoạt nhị thập thất nhựt, Lễ Công bộ Đại thần Tôn Thất Quảng cung khắc”. Đến nay, tuy biển ngạch Sắc tứ không còn do bị cháy trong cuộc tổng tiến công Tết năm Mậu Thân (1968) nhưng quyết định ban Sắc tứ do Tham Tri Bộ Lễ Tôn Thất Quảng trình tấu vẫn còn lưu giữ. Trong đó ghi rõ: “Thần bộ khâm phụng ý chỉ Đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu nên Sắc tứ biển ngạch cho chùa Linh Quang thuộc làng Dalat ở Haut - Donnai. Khâm thử khâm tuân. Thần bộ tuân phụng. Vậy chùa Linh Quang xin cho một bức biển ngạch theo thước: bề cao 5 tấc 8 phân tây, bề ngang 1 thước 1 phân tây, bốn phía chạm giao ba, đều sơn son thếp vàng. Vậy kính tâu Đức Hoàng Thượng, Hậu Phụng đỗng tất. Nay kính tâu: Thần Tôn Thất Quảng. Đồng Nai Thượng tỉnh, cung lục Lý trưởng làng Dalat và Trần Xin-Trụ Trì chùa Linh Quang tuân phụng”.

Tọa lạc trên một ngọn đồi rộng khoảng 1 hecta, khi được xây dựng lại vào năm 1972, Tổ đình Linh Quang có lối kiến trúc cổ kết hợp giữa nghệ thuật Trung Hoa và Việt Nam: mái kép uốn cong, tại bốn góc của nóc chùa có trạm trổ hình Long Lân Quy Phụng cùng các con giao uốn lượn được ghép bằng nhiều mảnh sành sứ. Từ phía mặt đường Hai Bà Trưng, qua một chiếc cổng xây có biển hiệu “Linh Quang Tự”, tiền diện chùa Linh Quang hướng về phía Đông Bắc, chánh điện được xây dựng theo hình chữ “Đinh” dài 20m, rộng 15m gồm 3 gian nhà kết cấu liên thông nhau. Ngôi nhà tiền sảnh có lối kiến trúc 3 gian, 2 chái có mái kép. Từ phía ngoài nhìn vào, trên hai đầu đỉnh nóc có gắn hai con rồng theo thế “hồi long”, cùng chầu vào một mặt hổ phù. Phía trên mặt hổ phù là bánh xe chuyển pháp luân. Trên các đầu đao của mái trên là các cặp lưỡng phụng, lưỡng long chầu vào. Ở hai đầu đao mái dưới là một cặp lưỡng long vươn ra. Khoảng giữa của hai mái là các bức trang trí hồi long đối xứng qua biển hiệu bằng chữ Hán “Linh Quang Tự” màu xanh trên nền hoa văn hình chữ Vạn cách điệu màu đỏ. Tiền diện chùa có 4 trụ đắp rồng và sát hai trụ cột ngoài cùng là hai mảng tường hẹp đắp nổi phong cảnh trong vườn Lộc Uyển. Chạy suốt phần chắn mái là một bức lam có khắc hoa văn hình chữ Vạn. Có 3 cửa chính vào trong nội điện, phía trên cửa giữa là dòng chữ “Chùa Linh Quang”.

Chánh điện thờ tượng Đức Phật Bổn Sư ngồi trên tòa sen hào quang tỏa sáng, dưới tán bửu táng. Hai bên thờ đức Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp và Tiêu Diện. Ngoài ra, còn có một quả chuông U Minh nặng 135kg. Sau chánh điện là nhà Tổ thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, chư vị Hòa Thượng Tổ sư, hai bên thờ chư vị nam nữ hương linh. Phía sau Tổ đường là dãy nhà Tăng gồm 12 phòng trệt, một phòng trên lầu và tàng kinh các, được xây dựng vào năm 1990. Sau Tăng phòng là một khu đất rộng 4000m2 trồng hoa và rau quả. Phía bên phải chánh điện là khu vườn tháp gồm có ba ngôi Bảo tháp của Hòa Thượng khai sơn và những vị trụ trì thừa kế, được Thượng tọa trụ trì trùng tu vào năm 2010 theo lối kiến trúc điêu khắc của Huế. Công trình nổi bật nhất trong khuôn viên chùa là khu tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên thị hiện trên thân rồng dài 100m, đường kính 2m uốn lượn quanh chùa, có hai lân chầu và một tượng rùa vàng đội đỉnh lư đồng. Đối diện bên kia là cảnh vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh, có tượng voi trắng sáu ngà cao 3m, dài 6m, và cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thắng ngựa Kiền Trắc cùng hậu cận Xa Nặc vượt thành xuất gia. Phía trước chùa có con đường uốn cong dài 200m, có đắp 10 bức tranh về lược sử Đức Phật từ sơ sanh đến nhập diệt, 5 vị Tổ Thiền tông từ Tây Thiên, Đông Độ đến Việt Nam và cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh…Các công trình này đều được thực hiện vào năm Canh Thìn (2000), năm bản lề của thế kỷ 21. Rồng dài 100m tượng trưng cho một thế kỷ hưng thịnh và trường tồn của Đạo pháp và dân tộc.Hiện tại, chùa đang khởi công đại trùng tu ngôi chánh điện và nhà Tổ. Dự kiến trong tương lai sẽ tiến hành xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, tượng Phật Di Lặc cao 18m, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, giảng đường, tháp thờ linh cốt… và một số công trình phụ.

Ngoài việc được biết đến là ngôi Tổ đình đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, chùa còn là một địa danh tham quan du lịch tâm linh nổi tiếng, luôn hiện diện trong hành trình của những khách hành hương khi đặt chân đến tham quan thành phố Đà Lạt. Ngoài ra, Tổ đình Linh Quang còn là một địa điểm thường xuyên tích cực đi đầu trong công tác từ thiện xã hội nhằm thể hiện tinh thần phụng sự Đạo pháp và dân tộc, tiếp nối hạnh nguyện mà Hòa thượng khai sơn và chư Tổ tiền bối đã làm trước kia, được các thế hệ hậu lai duy trì phát huy, Tổ ấn trùng quang, ngõ hầu làm lợi lạc cho mọi loài chúng sanh, báo Phật ân đức, kế vãng khai lai, lưu truyền hậu thế.

Mãn Đường Hồng
(Ghi lại từ tư liệu của Tổ Đình cung cấp) Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.