Tu học Phật pháp Phần 1: Hồi hướng Diệu Âm Trí Thành Trong Nguyện “Mười Niệm tất vãng sanh” của Phật A Di Đà có câu: “tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con,” nghĩa là Phật A Di Đà hồi hướng công đức của Ngài cho hết thảy chúng sanh đồng vãng sanh cõi nước Cực Lạc. Thế nên để xứng hợp với Di Đà Bổn Nguyện, chúng ta không thể chỉ hồi hướng cho riêng mình được vãng sanh mà cũng phải nguyện cho hết thảy chúng sanh đồng vãng sanh cõi nước Cực Lạc. Vì nếu tâm tâm chỉ nguyện cho riêng mình được vãng sanh, ắt là chưa phát nổi Bồ-đề tâm như trong kinh này dạy: Ba bậc vãng sanh Thượng, Trung và Hạ đều phải phát Bồ-đề tâm. Vậy, cái ý nghĩa thật sự của việc “hồi hướng” đích thực là “phát tâm Bồ-đề vô thượng,” tức là phát tâm thành Phật để cứu độ chúng sanh.

Nói theo tông chỉ của pháp môn Tịnh độ thì “tâm tâm hồi hướng” có nghĩa là người tu tịnh nghiệp lấy tấm lòng thuần nhất, chuyên tinh, không xen tạp của mình mà tịnh niệm câu Phật hiệu A Di Đà liên tục không gián đoạn để kết thành công đức vô lậu; rồi lại đem công đức ấy để hồi hướng đến điều mình mong mỏi. Có ba chỗ mà người tu đạo Bồ-tát muốn hồi hướng công đức vạn hạnh của mình đến, đó là: Chúng sanh, Bồ-đề và Thật tế. Vậy, chữ “hồi hướng” trong kinh có nghĩa là đem công đức của chính mình cúng dường cho khắp các chúng sanh, nguyện cầu cho tất cả chúng sanh cùng được thấy Phật A Di Ðà, cùng được sanh về cõi An Lạc quốc, cùng đắc quả Bồ-đề. Sự hồi hướng này mới đúng là chân thật tế bởi vì nó xứng hợp với Di Đà Bổn Nguyện.

Người niệm Phật phải tìm đủ mọi phương tiện khiến cho người thân cùng gieo thiện căn. Chuyện quan trọng nhất trong đời là phải nên khuyên cha mẹ, quyến thuộc, họ hàng, bạn bè v.v… của mình thường xuyên niệm Phật cầu sanh Tây Phương, và cũng phải sớm khai thị cho họ biết rõ sự lợi ích của việc trợ niệm vãng sanh lúc lâm chung. Hiện nay, chúng ta đang sống trong cõi đời đại loạn, nếu chẳng biết nương tựa vào Phật thì lúc nguy hiểm, tai nạn chợt xảy đến, khó hòng thoát khỏi. Nếu lúc bình thường chúng ta chẳng lo khuyên nhủ, uốn nắn người thân đoạn trừ tập khí tham, sân, si, mạn, nghi của họ thì mai kia lúc chúng ta sắp mất, họ sẽ thuận theo tri kiến thế tục, tính chuyện phô trương, khóc lóc mù quáng, mở tiệc cúng kiến linh đình, thì dẫu chúng ta có công phu tịnh nghiệp có thể tương ứng với Phật, được Phật tiếp dẫn, nhưng lại gặp phải những hành động đó phá hoại tịnh niệm, chắc chắn vẫn phải chịu cảnh luân hồi trong sáu nẻo từ trần-sa kiếp này cho đến trần-sa kiếp khác. Do vậy, việc khuyên quyến thuộc niệm Phật cầu sanh Cực Lạc chính là một đại sự khẩn yếu nhất, vừa lợi mình và cũng lợi người. Việc làm này thật vô cùng xứng hợp với Di Đà bổn nguyện “tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con.” Nếu chúng ta tận hết sức mình làm theo lời Phật dạy và lại có lòng khiến cho quyến thuộc cùng quy hướng A Di Đà Phật Đại Giác Thế Tôn, ắt chư Phật, Bồ-tát đều vô cùng hoan hỷ giúp đỡ cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chướng ngại để thành tựu tâm nguyện tự lợi, lợi tha của mình. Đến lúc lâm chung, Phật A Di Đà sẽ lần lược đến tiếp dẫn ta và quyến thuộc đời này lẫn con cháu đời sau đồng vãng sanh Cực Lạc.
Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.