Giải thích đề mục kinh Địa Tạng Phần 1: Giải thích đề mục kinh Địa Tạng Hồ Duy Thuyên soạn, Nguyễn Minh Tiến Việt dịch Đề mục kinh này, theo như chính Phật nói ra [trong kinh] có ba đề mục: một là bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, hai là bản hạnh của Bồ Tát Địa Tạng và ba là bản thệ lực của Bồ Tát Địa Tạng. Hiện nay chỉ dùng đề mục thứ nhất để đặt tên kinh.

Bồ Tát Địa Tạng là danh xưng của một bậc thánh nhân xuất thế. Bồ Tát là danh xưng chung, Địa Tạng là danh xưng riêng. Hai chữ Bồ Tát, tiếng Phạn là Bồ-đề-tát-đỏa (Bodhisattva). Bồ-đề nghĩa là giác ngộ, tát-đỏa nghĩa là chúng sinh. Kết hợp hai từ này thì Bồ Tát có nghĩa là chúng sinh đã giác ngộ hoặc là người giác ngộ cho chúng sinh.

Về danh xưng riêng của mỗi vị Bồ Tát, đều là dựa vào đức hạnh của vị đó mà đặt ra. Bồ Tát này có danh xưng Địa Tạng, đó là vì đức hạnh của ngài phù hợp với ý nghĩa hai chữ “địa tạng”. Nay sẽ phân biệt nói rõ. Địa có nghĩa là đất, là mặt đất, muôn vật đều cư trú trên mặt đất. Đất lại có khả năng giúp sinh trưởng rễ, mầm của các loài cây, cỏ. Bồ Tát Địa Tạng có lòng từ bi rộng lớn, hết thảy chúng sinh đều trông cậy vào sự cứu giúp, che chở của ngài. Căn lành của chúng sinh đều dựa vào ngài để tăng trưởng, giống như [cây cỏ dựa vào] mặt đất, nên xưng tán [trong danh hiệu] ngài là Địa. Tạng là kho báu, tiền bạc, châu báu có đủ để cứu giúp những người nghèo khổ, giúp thành tựu trọn vẹn cho sự nghiệp của người. Bồ Tát Địa Tạng có vô lượng tài bảo Chánh pháp, bố thí cho những chúng sinh khổ não, lại giúp cho những chúng sinh ấy đều có thể tu hành thành tựu, giống như kho báu, nên xưng tán [trong danh hiệu] ngài là Tạng.

Lại có tông phái giải thích hai chữ “địa tạng” là thí dụ về đạo hạnh, công đức của Bồ Tát. Nhân vì [thuở xưa] ngài nhìn thấy nỗi khổ của chúng sinh trong địa ngục nên phát tâm học Phật, chứng đắc tánh Như Lai Tạng, [thấy được] chúng sinh với chư Phật bản tánh bình đẳng. Cho nên ngài có bản lĩnh đặc biệt là cứu thoát được các chúng sinh trong địa ngục. Vì thế xưng tán ngài là Địa Tạng.

Lại nhân vì ngài tu pháp Địa Đại Viên Thông chứng đắc tánh Như Lai Tạng như Bồ Tát Trì Địa, nên một khi ngài hiện đến [nơi đâu] thì mọi người trong chúng hội đều cảm thấy thân hình nặng nề khó nhấc lên. Đó là vì những bộ phận thuộc địa đại trong thân người như da, thịt, gân, xương, lông, tóc, móng, răng đều chịu ảnh hưởng của Bồ Tát mà tăng mạnh. Vì thế xưng tán ngài là Địa Tạng.

Hai cách giải thích như trên về chữ “địa tạng” đều là [dựa vào sự] biểu hiện hành vi của Bồ Tát.

Nói chung, vị Bồ Tát này có đức hạnh như địa (mặt đất) như tạng (kho báu) nên tôn xưng ngài là Địa Tạng.

Hai chữ “bản nguyện” là nói tâm nguyện do chính Bồ Tát đã phát khởi. Tâm nguyện này, từ thuở ngài mới phát tâm mãi cho đến nay vẫn thường thường phát khởi [không gián đoạn], vẫn thường không thay đổi, không phải đến hiện tại mới phát khởi, cho nên gọi là “bản nguyện”. Lại nữa, tâm nguyện này là chỗ y cứ cho hành vi của Bồ Tát trong nhiều đời. Có tâm nguyện này mới có mọi hành vi của Bồ Tát. Tâm nguyện này là căn bản cho mọi hành vi của Bồ Tát, vì thế gọi là “bản nguyện”. Theo những cách giải thích này thì chữ “bản” bao gồm cả hai ý nghĩa là “bản lai” và “căn bản”.

Chữ “kinh” chỉ cho giáo huấn của bậc thánh nhân trong chốn thế gian. Sách này ghi chép giáo huấn của chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát là các bậc thánh nhân xuất thế, nên được gọi là kinh. Trong tiếng Phạn vốn là chữ Tu-đa-la (sūtra), dịch rõ nghĩa là một đường thẳng, cũng có ý nghĩa là kết hợp xuyên suốt, quán xuyến văn nghĩa, tương đồng như tiếng Trung Hoa dùng chữ kinh trong “kinh vĩ” (kinh độ và vĩ độ). Dịch theo văn chương là “khế kinh”, khế là khế hợp, vì đây là giáo huấn của bậc thánh nhân xuất thế, là những điều nói ra phù hợp với đạo lý, phù hợp với lòng người, nên gọi chung là khế kinh.






Nội dung được tải về từ website Rộng mở tâm hồn: http://rongmotamhon.net Việc sử dụng nội dung này vào mục đích khai thác lợi nhuận dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm đạo đức và pháp luật. Chúng tôi khuyến khích việc phổ biến vì mục đích lợi tha. Xin vui lòng ghi rõ nguồn thông tin trích dẫn và không tùy tiện sửa chữa, thêm bớt vào nội dung hiện có.